Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi – Thích Nhất Hạnh

$10.99$21.99 (-50%)

In Stock

Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi

“Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp một cái gì đó cho công việc bảo vệ và chăm sóc hành tinh xinh đẹp của chúng ta. Phải sống như thế nào để con cháu chúng ta có một tương lai tươi sáng, đó là gia tài đích thực ta để lại cho con cháu chúng ta”. Lời dạy của thầy  Thích Nhất Hạnh.

Khi chúng ta gieo một hạt bắp xuống lòng đất ẩm, khoảng một tuần sau, hạt bắp sẽ nảy mầm và dần dần trở thành một cây bắp con. Ta có thể hỏi cây bắp con: “Bắp ơi, em có nhớ lúc em còn là một hạt bắp không?” Có thể cây bắp con không nhớ, nhưng nhờ quan sát, ta biết cây bắp con đã đến từ hạt bắp. Khi nhìn vào cây bắp, ta không còn thấy hạt bắp, và ta tưởng là hạt bắp đã chết, nhưng kỳ thực hạt bắp đâu có chết, mà hạt bắp đã trở thành cây bắp. Khi chúng ta thấy được hạt bắp trong cây bắp là chúng ta có thứ tuệ giác mà Bụt gọi là vô phân biệt trí. Vô phân biệt trí là không có sự phân biệt giữa hạt bắp và cây bắp, vì hạt bắp và cây bắp có trong nhau, chúng chỉ là một thứ. Ta không thể tách hạt bắp ra khỏi cây bắp và ngược lại. Nhìn sâu vào cây bắp con, ta có thể thấy được hạt bắp, hạt bắp chỉ thay hình đổi dạng. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Nhờ có thiền tập, ta thấy được những điều mà người khác không thấy. Nhờ có quán chiếu, ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa cha mẹ và con cái, giữa cây bắp và hạt bắp. Cho nên chúng ta cần sự thực tập để giúp ta thấy rằng chúng ta tương tức với nhau. Khổ đau của một người là khổ đau của tất cả mọi người. Nếu người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, hay người Ấn Độ giáo và Hồi giáo, người Do Thái và người palestin nhận ra rằng họ đều là anh em với nhau, khổ đau của bên này cũng là khổ đau của bên kia thì chiến tranh sẽ chấm dứt mau chóng. Nếu chúng ta thấy được rằng chúng ta và các loài sinh vật khác đều có chung một bản thể thì đâu có sự chia cách hay phân biệt, chúng ta sẽ sống chung hòa bình với mọi loài, với thiên nhiên. Thấu suốt được tính tương tức, ta sẽ không còn phàn nàn, đổ lỗi cho nhau, sẽ không còn bóc lột, chém giết nhau. Chỉ với ý thức sáng tỏ đó mới mong cứu vãn được trái đất xinh đẹp của chúng ta. Là người, chúng ta vẫn nghĩ rằng ta và thế giới thực vật và động vật khác biệt nhau, chẳng có gì liên quan với nhau.

Cho nên đôi khi ta bâng khuâng không biết nên đối xử với thiên nhiên như thế nào. Nếu chúng ta hiểu rằng con người và thiên nhiên không thể tách rời nhau thì ta sẽ biết cách đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình, với tất cả sự cẩn trọng nhẹ nhàng, với tất cả tình thương yêu, không có sự bạo động. Cho nên nếu chúng ta không muốn mình bị thương tổn thì không nên làm thương tổn thiên nhiên, vì làm thương tổn thiên nhiên là làm thương tổn chính mình và ngược lại. Chúng ta không biết rằng khi chúng ta gây thiệt hại cho người khác là chúng ta gây thiệt hại cho chính mình. Vì muốn tích lũy của cải mà ta đã không ngần ngại khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, và ta tước đoạt quyền sinh sống của bao nhiêu người đồng loại. Những áp bức và bất công xã hội đã tạo ra hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, và ta tiếp tục dung túng những tệ nạn xã hội, thản nhiên để chiến tranh leo thang mà không biết rằng khổ đau của con người là khổ đau chung của cả đại gia đình nhân loại. Trong khi bao nhiêu người phải chịu khổ đau vì chiến tranh, vì đói khát, ta vẫn đắm chìm trong những ảo vọng của tiền tài, tưởng rằng có thể tìm đựợc một nơi an toàn cho riêng mình. Chúng ta cần phải thấy rõ rằng số phận của mỗi người đóng góp vào số phận chung của toàn thể nhân loại. Nếu chúng ta muốn sống bình an hạnh phúc, chúng ta cũng phải giúp cho những loài khác sống bình an hạnh phúc. Một nền văn minh mà trong đó ta phải chém giết và bóc lột lẫn nhau để sống là một nền văn minh không lành mạnh. Muốn có một nền văn minh lành mạnh, tất cả mọi người dân phải có quyền bình đẳng về giáo dục, về công ăn việc làm, có đủ thức ăn, chỗ ở, không khí và nước uống trong sạch. Họ có tự do đi lại và có thể ở bất cứ nơi đâu.

Con người là một phần của thiên nhiên, chúng ta cần ý thức rõ điều này trước khi biết cách tạo dựng một đời sống hòa hợp giữa con người với nhau. Nếu ta vẫn còn tâm độc ác, muốn chia cắt, thì ta phá hủy tính hài hòa nơi con người và nơi thiên nhiên. Chúng ta cần những đạo luật có nội dung từ bi giúp ta biết hành xử nhẹ nhàng với chính bản thân mình và với thiên nhiên, nhờ đó, ta có thể chữa trị được những thương tích và chấm dứt được tình trạng độc ác đối với con người và thiên nhiên.

Chúng ta cần phải học cách sống hài hòa với thiên nhiên, vì chúng ta là một phần của thiên nhiên. Thiên nhiên có thể rất tàn bạo, có thể gây cho ta rất nhiều thiệt hại. Nhưng ta cần phải đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình. Nếu chúng ta tìm cách khống chế thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ nổi loạn. Chúng ta phải là những người bạn đầy chân tình đối với thiên nhiên thì chúng ta mới biết cách sử dụng những điều kiện thuận lợi của thiên nhiên để tạo dựng một môi trường sống hài hòa. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết đúng đắn về thiên nhiên. Cuồng phong, bão tố, hạn hán, lũ lụt, núi lửa, sự sinh sôi nẩy nở của những loài sâu bọ độc, tất cả những hiện tượng này gây nguy hại cho sự sống. Chúng ta có thể dễ dàng ngăn ngừa những tai họa này nếu chúng ta biết nghiên cứu ngay từ lúc đầu địa chất của vùng đất ta đang sống. Nhờ nắm rõ tình hình địa chất, ta có thể có những phương án xây dựng để phòng ngừa, thay vì tìm cách áp đảo thiên nhiên bằng những đập ngăn nước, hay phá rừng và những chính sách thiết bị khác mà cuối cùng chỉ gây thêm tổn hại cho môi trường.

Vì muốn ức chế thiên nhiên mà ta đã sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, giết hại không biết bao nhiêu loại côn trùng và chim chóc, làm xáo trộn đời sống tự nhiên của muôn loài. Nền kinh tế phát triển gây ô nhiễm môi trường, làm kiệt quệ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá hủy chỗ cư trú của bao nhiêu loài sinh vật. phát triển kinh tế như thế chỉ đem lợi lộc cho một số ít người, và trong thực tế đã dần dần phá hủy toàn bộ đời sống thiên nhiên. Vì vậy mà con người trở nên bệnh hoạn, xã hội trở nên bệnh hoạn, thiên nhiên trở nên bệnh hoạn. Ta phải làm gì đây để tái lập sự quân bình? phải bắt đầu từ đâu để tìm cách chữa trị? Bắt đầu từ mỗi cá nhân, hay từ xã hội? Hay từ thiên nhiên? Ta phải làm việc chữa trị trong cả ba lĩnh vực cùng một lúc. Các ngành khác thường chỉ chú tâm đến lĩnh vực riêng của họ. Các nhà chính trị thì nghĩ rằng một xã hội trật tự là cần thiết để bảo vệ con người và thiên nhiên, vì thế, họ khuyến khích mọi người tham gia vào cuộc đấu tranh thay đổi guồng máy chính trị.

Các tu sĩ phật giáo thì giống như những bác sĩ tâm lý trị liệu thấy được vấn đề từ quan điểm tâm lý. Mục đích của thiền tập là để giúp ta tìm lại sự cân bằng trong đời sống. Thực tập thiền trong đạo Bụt là để điều hòa thân và tâm, thực tập hơi thở giúp làm lắng dịu thân tâm. Cũng như những phương pháp chữa bệnh khác, bệnh nhân được đặt trong một môi trường có những điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục lại sức khỏe. Thông thường, các bác sĩ tâm lý trị liệu để nhiều thì giờ quan sát bệnh nhân, sau đó có những lời khuyên thích ứng với mỗi bệnh nhân. Cũng có một số bác sĩ biết thực tập như các tu sĩ là biết quán sát bản thân trước, biết nhận diện để vượt thoát được những sợ hãi, giận hờn và tuyệt vọng trong lòng họ. Ða số các bác sĩ khác thì thường nghĩ rằng họ không có vấn đề gì về tâm lý cả. Người tu sĩ, trái lại, luôn nhận diện được rằng là người, họ rất dễ bị sợ hãi, lo âu trấn ngự, nhất là dễ bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh trầm kha của thời đại mới.

Người phật tử tin vào mối tương quan mật thiết của mọi cá nhân trong xã hội và môi trường sống, cho nên khi họ lành bệnh là xã hội và môi trường sống cũng lành bệnh, vì vậy mà họ chấm dứt được những lo âu sợ hãi trong lòng. Người phật tử biết rằng chính họ phải bắt đầu sự chuyển hóa trong nội thân thì xã hội và thiên nhiên sẽ tự động chuyển hóa theo. Cho nên, muốn cho xã hội và môi trường sống trở lại lành mạnh, mỗi người chúng ta phải biết cách khôi phục trở lại sức khỏe tinh thần của mình. Khôi phục lại tinh thần lành mạnh không có nghĩa là phải thích ứng với những điều kiện mới của đời sống hiện đại. Bởi vì đời sống hiện đại không lành mạnh chút nào, thích nghi với đời sống đó chỉ làm mình thêm bệnh hoạn. Những người tìm đến các bác sĩ tâm lý trị liệu đều là nạn nhân của lối sống hiện đại. Lối sống này chỉ làm con người xa cách nhau, gia đình nhân loại bị phân tán. Cách hay nhất là chuyển về sinh sống ở miền quê, nơi đó, ta được cuốc đất, trồng rau, sản xuất hoa màu, giặt quần áo trên sông, sống nếp sống đơn giản như hàng triệu người nông dân trên thế giới. Muốn việc chữa trị có hiệu quả, ta cần phải thay đổi môi trường sinh sống. Thay đổi guồng máy hoạt động chính trị chưa phải là phương án duy nhất. Tìm cách tự trấn an mình khỏi những bức xúc bằng lối tiêu thụ bừa bãi cũng không giải quyết được vấn đề. Bởi vì nguồn gốc của mọi tâm bệnh hiện nay đều phát xuất từ sự phát triển quá mức của nền kinh tế, đưa đến nhiều tệ nạn xã hội như là ô nhiễm sinh môi, quá nhiều tiếng ồn, nơi nào bạo động cũng có mặt, và hầu như ai cũng bị áp lực thời gian đè nặng. Muốn chấm dứt tình trạng này thì phải biết phòng bệnh. Khi ta hiểu được trách nhiệm của mình đối với nhân loại thì ta biết giữ gìn cho tinh thần luôn được lành mạnh. Làm được như vậy cho ta là đồng thời giúp cho người khác không bị bệnh hoạn. Dù ta là ai đi nữa, thầy tu hay thầy cô giáo, bác sĩ trị liệu, nghệ sĩ, thợ mộc, hay là chính trị gia, chúng ta cũng đều là con người như nhau. Nếu chính ta không áp dụng được những gì ta dạy cho người khác trong đời sống hàng ngày thì ta cũng mắc bệnh tâm thần như họ thôi. Nếu ta cứ tiếp tục sống theo lề lối hiện tại thì có ngày ta cũng trở thành nạn nhân của lối sống vị kỷ, đầy sợ hãi và lo âu.

 

MỤC LỤC:

Lời giới thiệu …………………………………………………………………………..7

Phần I: Ý thức cộng đồng

Chương 1: Tiếng chuông chánh niệm ………………………………………..23

Chương 2: Nền đạo đức toàn cầu ………………………………………………31

Chương 3: Sống biết tiết chế là giữ gìn cho đất Mẹ………………………45

Chương 4: Thiên nhiên và tình thương bất bạo động……………………63

Chương 5: Vượt thoát sợ hãi …………………………………………………….77

Phần II: Tình thương bằng hành động

Chương 6: Sự tiếp nối đẹp đẽ …………………………………………………..97

Chương 7: Biết chăm sóc chính ta, người muốn bảo vệ môi trường 105

Chương 8: Thành phố vắng bóng cây xanh ……………………………….117

Chương 9: Chuyển hóa tâm thức cộng đồng ……………………………..127

Chương 10: Đôi mắt của voi chúa ……………………………………………139

Phần III: Sống chánh niệm

Thi kệ: Thiền tập trong đời sống hằng ngày ………………………………149


Thông tin

Công ty Phát hành Thái Hà
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Kích thước 13cm x 19cm
Loại bìa Bìa cứng
Số trang 181
Tác giả Thích Nhất Hạnh

Additional information

Weight 150 g
Publisher

Thái Hà

Language

Vietnamese

Dimensions

13 x 19

Cover

Paperback

Page number

181

Author

Thích Nhất Hạnh

Only logged in customers who have purchased this product may leave a review.

Reviews

There are no reviews yet.

Vietbuy